LỜI
KHUYÊN CỦA TÁC GIẢ AMÉLIE BLANCKAERT: “THINH LẶNG LÀ MỘT XA XỈ CẦN TÌM LẠI”
famillechretienne.fr, Olivia de Fournas, 2024-06-06
Tác giả Amélie Blanckaert trong quyển sách “Im lặng đi, người ta sẽ nghe bạn” đề nghị nên học nghệ thuật thinh lặng để người khác nghe mình nhiều hơn, dù mình nói ít hay nói nhiều. Thinh lặng trước cảnh đẹp tựa là điều tự nhiên, không nên nói những lời nói thừa thãi trong lúc này.
Bà là giáo sư và chuyên gia trong lãnh vực
hùng biện, chủ tịch của Văn phòng 121, cơ quan giúp các nhà lãnh đạo phát biểu
trước công chúng. Sau quyển sách Lời nói của bạn rất quý giá, bà viết tiếp
quyển sách “Im lặng đi, người ta sẽ nghe bạn, nxb. Plon”.
Trước quyển sách về thinh
lặng, bà đã viết một quyển về nghệ thuật hùng biện. Bà đã nhận ra sự quan trọng
của thinh lặng khi nào?
Tác giả Amélie Blanckaert: Khi
còn nhỏ, tôi gặp khó khăn để kiềm chế tính nói nhiều. Trong thông tín bạ, thầy
cô thường phê: “Học giỏi nhưng nói quá nhiều.” Xấu hổ
vì bị cho là “nói nhiều”, tôi tự hỏi không biết làm sao để im lặng. Sau này khi
có con, tôi bắt đầu khó chịu khi nghe chúng ồn ào liên tục. Bây giờ yên tĩnh
lại thành hiếm hoi. Im lặng đã thành một “đặc ân”, một tìm kiếm.
Làm thế nào để bắt đầu đi tìm
im lặng?
Trước hết, khi có điều gì cần chia sẻ,
chúng ta chỉ nói về những gì chúng ta hiểu và ngừng nói bừa bãi như chúng ta
thường làm. Trong đại dịch Covid-19, người ta đã hỏi tôi nghĩ gì về giáo sư
Didier Raoult. Tôi không đủ biết để trả lời! Chúng ta cần khiêm tốn để nói: “Tôi
không biết.” Cũng nên học nghe ở những người ít nói, khiêm tốn, kín
đáo.
Bà nghĩ có nên về lại thời
trẻ em không được phép nói chuyện trong bữa ăn không?
Thật hữu ích khi hiểu trong tiếng la-tinh từ
“trẻ
em, infans” có nghĩa là “người chưa biết nói”. Kể
từ thế kỷ 20, trẻ em được dự vào các buổi nói chuyện của người lớn, nhưng không
nên để vai trò bị đảo ngược. Ngày nay, lời nói của người lớn thường bị giới trẻ
phản đối, nhưng người lớn lại có nhiều kinh nghiệm hơn. Chúng ta không nên cho
“cha mẹ già” là người bảo thủ, như thanh thiếu niên bây giờ thường nói. Lời của
họ là kết quả của nhiều năm kinh nghiệm, không nên bị xem nhẹ chỉ vì lời nói
này khác với quan điểm của giới trẻ. Học cách im lặng giúp chúng ta giao tiếp
tốt và sống hòa thuận trong gia đình, điều này áp dụng cho mọi thế hệ. Quan
trọng là không ngắt lời người khác, chờ họ nói xong để nắm hiểu được suy nghĩ
của họ. Câu trả lời sẽ khác nếu chúng ta chờ họ nói xong.
Đâu là lợi ích của việc im
lặng trong gia đình?
Đó là gắn kết hài hòa có thể nảy sinh khi
cả gia đình cùng chia sẻ trong thinh lặng, là một kinh nghiệm khác của tình
thương trong gia đình. Tôi thích ngồi đọc sách bên cạnh một em bé và nghe tiếng
em bé đọc. Tôi đã có kinh nghiệm thinh lặng thân mật và dễ chịu trong gia đình
khi tôi đi bộ trên con đường Compostela. Im lặng trước một cảnh đẹp là điều tự
nhiên, vì khi đó lời nói thành dư. Tôi thích giây phút im lặng ngồi uống cà phê
và đọc báo sáng thứ bảy với người yêu. Ánh nhìn yêu thương nhìn nhau, thỉnh
thoảng trao đổi vài tin tức, chúng tôi cảm thấy hòa hợp với nhau.
Có phải nói nhiều hay ít là
do tính tinh không?
Đúng vậy, một số trẻ em hướng ngoại, một số
trẻ em hướng nội. Ở Trung Quốc, trẻ em im lặng được xem trọng, thông minh và
suy nghĩ thấu đáo, các em được chọn làm người lãnh đạo. Thực tế cho thấy nhiều
nhà lãnh đạo vĩ đại là những người hướng nội. Đặc biệt, họ thường tinh tế hơn
người khác. Một linh mục nói với tôi: “Câm lặng là khi chúng ta không có gì để
nói, còn im lặng là khi chúng ta có quá nhiều điều để nói.” Những người ít nói
thường có rất nhiều điều để kể, nhưng họ nói theo cách khác. Lời nói không phải
là phương tiện duy nhất để diễn tả. Chúng ta có thể khuyên một em bé ít nói
tham gia nhiều hơn vào các cuộc trò chuyện, nhưng điều quan trọng là tìm cho
các em một cách diễn tả khác như viết lách, nghệ thuật hay âm nhạc.
Cha mẹ giúp các con ít nói
thể hiện bản thân như thế nào?
Chúng ta thường nói với những em bé nói quá
nhiều: “Lắng nghe đi. Im lặng đi. Để người khác nói,” chúng ta nên khuyến khích
nhưng không nên ép buộc các em ít nói dự vào cuộc trò chuyện. Vai trò của cha
mẹ là điều phối, giữ cân bằng khi đứa con chiếm quá nhiều chú ý trong gia đình.
Chúng ta nên hỏi đứa ít nói: “Kể cho mẹ nghe ngày hôm nay con làm gì?”, tạo
những giây phút đẹp và dành thì giờ với con. Không phải lúc nấu ăn mà trẻ mở
lòng. Tôi thường khuyên cha mẹ nên dành 10 phút mỗi ngày với con, ở nơi thanh
thản, không điện thoại và luôn sẵn sàng, hoặc vào phòng con, nơi con sẽ cảm
thấy thoải mái, hoặc ngồi trên chiếc ghế sofa êm ái, khuyến khích con nói,
không cắt lời, không sửa chữa lời của chúng. Sự có mặt của chúng ta có thể tạo
một cuộc nói chuyện, có thể có lời nói hoặc không, và điều này cũng áp dụng cho
vợ chồng trong đối thoại. Sau đó, chúng ta đặt câu hỏi để giúp con triển khai
thêm câu chuyện.
Liệu các câu hỏi có làm cho
trẻ ít nói khựng lại không?
Câu hỏi đóng chỉ cần câu trả lời “có” hoặc
“không” sẽ làm trẻ con bế tắc, nhưng câu hỏi mở là phương tiện tốt để kích
thích lời nói, giúp người ít nói mở lòng, giúp chúng ta biết lắng nghe. Cha mẹ
thường có xu hướng trả lời thay con, thay vì để trẻ tự nói. Tuy nhiên, nếu trẻ
ít nói vẫn giữ im lặng hoặc các con nói: “Con không có gì để nói,” chúng ta nên
chấp nhận và tìm cách khác để nói chuyện.
Làm sao để người nói nhiều
học im lặng?
Họ phải im lặng và quan sát hiệu quả của im
lặng mang lại. Chúng ta thử nghiệm lợi ích của im lặng qua trải nghiệm. Khi im
lặng, chúng ta có được nhiều thông tin, lời nói của người đối diện sẽ tự do khi
chúng ta giữ im lặng. Cũng vậy, khi tôi đặt câu hỏi cho người lãnh đạo: “Xin
cho tôi biết nhu cầu của ông,” tôi nhận được câu trả lời rất
đầy đủ. Nếu tôi bắt đầu giải thích trước những gì tôi làm, tôi sẽ không học
được nhiều như vậy.
Làm sao để học im lặng?
Im lặng là một kỷ luật khó, đặc biệt khi
chúng ta có tính nhiệt huyết đam mê, điều thường thấy ở những người nói nhiều.
Để cảm nhận được giá trị của im lặng, chúng ta cần can đảm im lặng. Khi đó,
chúng ta có thể học lắng nghe để hiểu rõ tình huống, làm quen với việc không
nói vội vàng, kiềm chế những phản ứng tiêu cực bộc phát. Chúng ta ai cũng có
kinh nghiệm lời nói của mình đã vô tình làm tổn thương người khác. Khi nói quá
nhiều, sai lầm đến rất nhanh. Không phải lúc nào cũng nên nói nhiều. Sách Giảng
viên có câu: “Một thời để nói, một thời im lặng”. Chúng ta cần
biết khi nào nên im lặng, khi nào nên nói.
Làm sao để biết khi nào nên
nói, khi nào nên can thiệp?
Trong tiếng hy lạp, kairos là
tìm thời điểm thích hợp để nói qua khả năng lắng nghe và nhạy bén của chúng ta.
Thời điểm tốt nhất là khi người kia nói xong, chúng ta bình thản nói: “Xin
chờ một chút, tôi cần suy nghĩ về điều này.” Đôi khi sau một trao
đổi sôi nổi hoặc khi tình huống căng thẳng, chúng ta cần thời gian để tiếp
nhận, để lắng xuống thay vì phản ứng ngay lập tức.
Im lặng có phải là thiếu can
đảm không?
Đúng, đôi khi cám dỗ của im lặng là kiêu
ngạo hoặc hèn nhát. Có những khoảng im lặng bị ép buộc, im lặng đau thương của
nạn nhân bị lạm dụng, của những người ở trong các chế độ độc tài hoặc có những
bí mật gia đình chúng ta cần thoát ra. Có im lặng của những người không có gì
để nói hoặc của những người chỉ nhìn vào điện thoại của họ. Tuy nhiên, cũng có
một loại im lặng được chọn lựa, im lặng tích cực, im lặng của khiêm nhường, của
lòng quảng đại. Khi tôi chơi Trivial Pursuit với
các con, đôi khi tôi muốn trả lời ngay, nhưng tôi phải giữ im lặng để chúng
được nổi bật. Cũng vậy, khi xem phim xong, cha mẹ nên im lặng vì cha mẹ có thể
tóm tắt, giải thích câu chuyện tỏ ra mình hiểu. Ở tu viện Sénanque, tôi sống
năm ngày không nói. Im lặng đã mang cho tôi minh triết về những điều quan
trọng. Nhờ im lặng, tôi tận hưởng sự sống, biết được một dạng trọn vẹn tôi chưa
từng biết. Trong xã hội ồn ào náo nhiệt, im lặng là một xa xỉ cần tìm lại, vì
im lặng giúp chúng ta sẵn sàng và lắng nghe người khác.
Bà Amélie Blanckaert giải thích: “Im lặng
đầy ý nghĩa là im lặng không trống rỗng, là im lặng mang một ý nghĩa, là im
lặng cá nhân khi cầu nguyện hay im lặng tập thể khi giáo dân quỳ gối trong
thánh lễ, đó là khoảnh khắc tĩnh tâm sâu lắng. Tôi thích yên tĩnh, giúp tôi
chín chắn suy nghĩ, thanh thản tập trung, suy tư và xác tín trong đức tin.
Thinh lặng luôn là trọng tâm của Mặc Khải. Thường thường đức tin phát triển một
cách tinh tế và dần dần trong cuộc sống, Thiên Chúa không hiện diện trong ồn ào
nhưng trong làn gió nhẹ. Tất cả là ở khả năng lắng nghe âm thanh nhỏ bé này,
những điều thầm kín trong trái tim. Nếu chúng ta chỉ chờ lời nói hay phép lạ,
chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tin.”
Têrêxa Trần Tuyết
Hiền dịch