ĐAU KHỔ VÀ VINH QUANG
Phụng vụ Tuần Thánh mở đầu bằng nghi thức làm
phép lá và rước lá, sau đó là thánh lễ mà đỉnh cao là trình thuật về cuộc
thương khó của Đức Giê-su. Các Bài đọc Kinh Thánh, nhất là Bài
Thương khó, nêu bật hai khía cạnh của cuộc thương khó Đức Giê-su: Đau khổ và Vinh quang. Hai khía cạnh này hòa quyện
với nhau, tạo nên nét độc đáo và làm cho cuộc tử nạn của Chúa Giê-su trên đồi
Can-vê năm xưa không giống như bất kỳ vụ thi hành án nào trong lịch sử.
Bài đọc I trích sách Ngôn sứ I-sa-i-a nói với
chúng ta về một nhân vật bị đánh bầm dập, thân mình mang đầy thương tích. Tuy
vậy, nhân vật được trình bày lại chấp nhận đau khổ như một tự nguyện. Nhân vật
ấy là Người Tôi tớ Đức Gia-vê. Vị Tôi tớ luôn trong trạng thái tỉnh thức để
lắng nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa, và niềm tin cậy phó thác đã đem lại cho
Người sức mạnh trong gian nan. Dưới lăng kính Ki-tô giáo, đây chính là hình ảnh
của Đức Giê-su chịu khổ hình. Cuộc thương khó vừa là một khổ hình do người Do
Thái gây nên, đồng thời cũng là một hành vi tự nguyện của Chúa Giê-su, vì vâng
lời Chúa Cha. Mặc dù sợ hãi đến mức toát mồ hôi máu, Đức Giê-su, người Tôi tớ
Gia-vê đã tự nguyện bước vào cuộc thương khó, với niềm xác tín “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi”. Cần lưu ý là
sách ngôn sứ I-sai-a có bốn bài ca về Người Tôi tớ Đức Gia-vê. Mỗi bài diễn tả
một khía cạnh, và tất cả bốn bài ca đó đã trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su.
Bài cuối cùng ở chương 52 được đọc trong Phụng vụ suy tôn Thánh giá chiều thứ
Sáu tuần Thánh, với nội dung diễn tả cuộc khổ nạn đau thương của
Chúa Giê-su qua biến cố thập giá.
Hai khía cạnh đau khổ và vinh quang cũng
được thánh Phao-lô quảng diễn trong Bài
đọc II. Đức Giê-su là Thiên Chúa tối cao. Người đã hạ mình mang lấy
thân phận con người như chúng ta, chỉ ngoại trừ tội lỗi. Người đã trút bỏ vinh
quang để mang thân phận nô lệ. Sự hạ mình của Ngôi Lời vừa thể hiện qua mầu
nhiệm nhập thể, vừa thể hiện qua biến cố khổ nạn thập giá. Nói cách khác, sự
khiêm tốn vâng lời liên lỉ của Đức Giê-su, được trải dài từ ngày Truyền tin đến
đỉnh đồi Can-vê. Tuy vậy, thánh Phao-lô khẳng định, cái chết và nấm mộ không
phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Sau thập giá là vinh quang. Thiên
Chúa Cha đã siêu tôn Đức Giê-su, và ban cho Người danh hiệu “trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu”. Điều thánh Phao-lô
viết trong thư gửi giáo dân Phi-líp-phê hôm nay đã được thực hiện: đó là hàng
tỷ Ki-tô hữu trên hoàn cầu tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Cứu độ.
Trình
thuật thương khó theo thánh Lu-ca như một vở kịch gồm nhiều
phân cảnh, với nhiều cung bậc cảm xúc. Vở kịch này khởi đầu từ phòng tiệc ly và
kết thúc trên đồi Can-vê. Chúng ta thấy mỗi khi Đức Giê-su nói về những gì đang
xảy ra trong hiện tại, thì Người cũng liên hệ tới tương lai. Nếu bữa tiệc ly là
lần cuối cùng Người uống chén rượu nho vật chất, thì Người cũng hứa sẽ được
cùng với các môn đệ dùng rượu nho mới khi triều đại của Thiên Chúa đến. Khi bị bắt
trong vườn Cây Dầu, dù bị quân lính bao quanh sát khí đằng đằng, Chúa Giê-su
vẫn khảng khái nói: Đây là giờ của quyền lực tối tăm. Nhân vật Phi-la-tô được
trình bày nổi bật trong cuộc thương khó của Đức Giê-su. Ông này vừa kính phục
Chúa Giê-su, nhưng lại sợ người Do Thái. Thực sự ông muốn cứu Chúa Giê-su, và
ông đã tìm một lối mở, đó là đưa ra trường hợp Ba-ra-ba như một lá bài để
thương thuyết. Ấy vậy mà người Do Thái đồng thanh xin tha cho một kẻ giết
người. Trong cuộc thương khó, giữa tiếng ồn ào của đám đông bị kích động, Con
Thiên Chúa thì bị án tử, và kẻ sát nhân lại được tha! Chi tiết này đã làm cho
cuộc thương khó của Chúa Giê-su thêm phần bi kịch.
Trình thuật
thương khó kết thúc ở nấm mồ. Các môn đệ và những người phụ nữ trước đây đã
theo Chúa Giê-su đang ở trong một tâm trạng hoang mang tột độ. Họ không biết
những gì sẽ tiếp tục xảy đến. Với lòng yêu mến và kính trọng Thầy mình, các môn
đệ đã hạ xác Chúa và vội vàng an táng trong mồ. Những người phụ nữ thì chuẩn bị
thuốc thơm để sau ngày nghỉ lễ sẽ xức xác Chúa. Bài Thương khó kết thúc như
những dấu chấm lửng, dường như muốn cho các độc giả hãy đón đọc ở phần sau, với
nhiều hấp dẫn mới. Sau khi cử hành Phụng vụ Lễ Lá, Phụng vụ Tuần Thánh giúp các
tín hữu tiếp tục suy tư về những gì mình đã được chứng kiến trong trình thuật
hôm nay. Chúng ta sẽ dần dần từng bước cử hành những biến cố quan trọng trong
những ngày cuối đời dương thế của Chúa Giê-su. Nói cách khác, trình thuật
Thương khó như một dẫn nhập để đưa các tín hữu tới những nghi thức long trọng
của Tuần Thánh.
Nếu đau khổ và vinh quang cùng đan xen trong
biến cố khổ nạn của Chúa Giê-su, thì hôm nay, trong cuộc sống của chúng ta, đau
khổ và vinh quang cũng vẫn đang cùng nhau hòa quyện. Người tín hữu nhìn thấy
qua mầu nhiệm thập giá vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang ấy chiếu tỏa cho
mọi thế hệ, để những ai đến với thập giá Chúa Ki-tô, sẽ tìm được bình an và
hướng đi cho đời mình. Trong cuộc sống đầy gian nan thử thách, những ai tin cậy
phó thác nơi Chúa, sẽ cảm thấy gánh cuộc đời nhẹ nhàng hơn. Chúa Giê-su đã mời
gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi,
tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Chúng ta hãy tham
dự nghi thức Tuần Thánh với niềm phó thác cậy trông để có thêm nghị lực bước đi
trên con đường thập giá cuộc đời.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên