CON ĐƯỜNG TƯƠNG LAI
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA
CHAY – NĂM C
Ga 8, 1-11
Năm Thánh 2025 mở ra cho chúng ta một con
đường tương lai, đó là con đường hy vọng. Giữa bối cảnh thế giới đầy lo âu và
xáo trộn, người tin Chúa vẫn vững vàng trông cậy vào Ngài. Hơn thế nữa, như Đức
Giáo Hoàng Phan-xi-cô mời gọi, những ai tin vào Đức Giê-su còn được mời gọi trở
nên sứ giả đem niềm hy vọng vào cuộc sống hôm nay.
Đức cậy trông của Ki-tô giáo không phải là
những mơ ước viển vông hão huyền. Trái lại, đây là niềm xác tín làm nên cốt lõi
của đức tin. Ki-tô hữu tuyên xưng Đức Giê-su đang sống, đang hiện diện giữa
chúng ta. Người là niềm hy vọng cho thế giới, bất kể ở nền văn hóa và chủng tộc
ngôn ngữ nào.
Ngôn sứ I-sa-i-a được truyền thống Do Thái gọi là vị ngôn sứ của niềm hy
vọng, hay niềm an ủi đối của dân tộc Ít-ra-en. Không là niềm an ủi sao được,
khi mà dân chúng đang sống cảnh nô lệ lưu đày, mà có người thông báo chắc chắn
rằng: Thiên Chúa sẽ can thiệp và dẫn đưa dân lưu đày trở về nơi quê cha đất tổ?
Trong Bài đọc I của Phụng vụ thánh lễ hôm nay, vị ngôn sứ mời gọi hãy vui mừng
lên, vì Chúa không nhớ đến quá khứ tội lỗi của chúng ta nữa. Thời của trừng
phạt và đau buồn đã hết. Nay đã đến thời của ân sủng và niềm vui. Ngôn sứ
I-sa-i-a loan báo con đường tương lai của dân tộc Do Thái. Đó là con đường
hồi hương. Con đường ấy sẽ ngập tràn tiếng cười, rộn rã niềm hân hoan, như sau
này tác giả Thánh vịnh diễn tả: “Khi Chúa dẫn tù nhân Si-on trở
về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã
trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 125, 1-2). Những gì tác giả Thánh vịnh
diễn tả giúp chúng ta liên tưởng tới một đoàn người đông đảo, háo hức trở về
quê hương, nơi có Đền thờ đã bị phá bình địa và có mồ mả của cha ông nhiều thế
hệ. Thiên Chúa nhân hậu đã làm những điều kỳ diệu đó. Ngài đã quên quá khứ, và
mở ra cho họ một con đường tương lai.
Chúa Giê-su là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Người đến trần
gian không phải để luận phạt kết án, nhưng để tha thứ. Sứ mạng thiên sai của
Người là “công bố Năm Hồng ân và ngày khen thưởng của Thiên Chúa”. Thánh Gio-an
kể lại với chúng ta sự kiện người phụ nữ bị bắt quả
tang vì phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-su đã có một cách giải quyết
khác với lề luật Do Thái. Người muốn cứu sống chứ không phải giết chết tội
nhân. Người muốn mở cho người phụ nữ đáng thương một con đường tương lai. Trước
một đám đông bừng bừng giận dữ, mà trong đó có nhiều người thuộc bậc “đáng
kính” của người Do Thái, như các kỳ lão, kinh sư và người Pha-ri-siêu. Diễn
biến của câu chuyện vừa hấp dẫn hồi hộp, vừa gây ngạc nhiên ở hồi kết. Cần điều
chỉnh lại quan niệm về Thiên Chúa nơi một số người: Thiên Chúa không oán hờn và
luận tội, nhưng yêu thương và bao dung tha thứ. Ở đây, Chúa Giê-su tiếp nối
giáo huấn của Cựu ước hàm chứa trong lời ngôn sứ I-sa-i-a:
“Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở
trước”.
Lời nói và hành động của Chúa Giê-su trong trình thuật Tin Mừng gợi nhớ
những người đang tố cáo người phụ nữ hãy nhớ đến thân phận bất toàn của mình.
Tâm lý thông thường của chúng ta là phê bình chỉ trích người khác. Thánh
Gia-cô-bê viết: “Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em
mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không
còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và
xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét
đoán người thân cận?” (Gc 4,11-12). Thiên Chúa là Đấng duy nhất có
quyền xét đoán, vậy mà trong trình thuật Tin Mừng, Chúa Giê-su không dùng quyền
ấy. Người nói với người phụ nữ đang run rẩy sợ hãi: “Tôi
không lên án chị đâu! thôi chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”
(Ga 8,11)
Mùa Chay là mùa trở về. Mùa Chay cũng khơi
lên nơi cuộc đời chúng ta niềm hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa. Những thực
hành đạo đức và bác ái của Mùa Chay mở ra cho chúng ta một con đường tương lai,
giúp chúng ta bước sang một chương mới của cuộc đời. Thánh Phao-lô coi cuộc gặp
gỡ với Chúa Giê-su là một bước ngoặt quan trọng của đời mình. Từ nay, ông coi
việc được biết Đức Giê-su là một mối lợi tuyệt vời. Ông quên đi chặng đường đã
qua, để lao mình về phía trước. Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh của một vận động
viên trong trường đua để diễn tả sự dứt khoát và cố gắng của mình trên con
đường theo Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã quên quá khứ của Phao-lô. Hơn thế nữa.
Ngài còn chọn ông là vị Tông đồ cho các dân ngoại. Hôm nay, Thiên Chúa cũng sẵn
sàng quên quá khứ của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả
của lòng thương xót, để đem niềm hy vọng cho cuộc sống hôm nay.
“Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một
thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị. Người là Cánh cửa ơn cứu
độ » (Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong Sắc Chỉ công bố Năm
Thánh thường lệ 2025, số 1).
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: TGP Hà Nội