Một nết xấu thường thấy trong
mỗi người chúng ta, đó là sự xét đoán người khác. Trong đời sống hằng ngày, hầu
như ai cũng có thói quen dễ dàng phán xét về một con người, một sự việc hoặc
một hiện tượng, nhất là trong thời đại công nghệ bùng nổ thông tin hiện nay.
Những “anh hùng bàn phím” luôn tham gia tranh luận trên các diễn đàn của nền
tảng xã hội rất nhiệt tình, sẵn sàng ném đá và sỉ vả người khác dù không quen
biết và cũng chẳng có thù oán nợ nần. Khi xét đoán, là ta đặt mình vào vị trí
của một quan tòa, nhưng vị quan tòa duy nhất là Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới có
quyền xét đoán. Chúng ta là người phàm còn nhiều khiếm khuyết, không thể chiếm
vị trí của Đấng Tối cao. Lời Chúa trong Phụng vụ hôm
nay muốn nói với chúng ta: đừng vội vàng xét đoán về một con người hay một sự
việc, nhưng trái lại, luôn cảm thông với những nạn nhân và nhất là qua những
biến cố đó mà nhìn lại chính mình.
Chúa Giê-su đã dạy trong Tin
Mừng “Anh
em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế
nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào,
thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt7,1-2). Ở đây chúng ta học được một
điều quan trọng, đó là khi chúng ta chiếm quyền của Chúa để làm quan tòa, thì
chúng ta sẽ bị Chúa xét xử. Điều ấy cũng giống như chúng ta cố chấp không tha
thứ cho người khác, thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta. Thánh Gia-cô-bê
nói về việc xét đoán như sau: “Chỉ có một Đấng ra Lề
Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn bạn là ai mà
dám xét đoán người thân cận?” (Gc
4,12).
Sự
kiện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết chết và sự kiện mười tám
người bị đè do tháp Si-lô-ê đổ sập, dưới cái nhìn của những người đương thời,
họ là những người tội lỗi và họ phải chết là thích đáng. Chúa Giê-su không đồng
tình với quan niệm đó. Người phê phán lối nhìn kỳ thị và lệch lạc này. Nhân đó,
Người kêu gọi những người đang chê cười các nạn nhân phải nhìn lại chính mình
để sám hối ăn năn, bởi lẽ họ không thánh thiện gì hơn những nạn nhân bị coi là
tội lỗi kia.
Thiên Chúa luôn nhân ái yêu
thương. Ngài không nhìn con người theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng thấu tậm tân
can. Thiên Chúa thấu hiểu nỗi đau của con người và ra tay cứu giúp họ. Bài đọc I đưa chúng ta về việc
Chúa gọi ông Môi-sen và trao nhiệm vụ lãnh đạo giải phóng dân Do Thái khỏi ách
nô lệ của người Ai-cập. Qua những lời được phán từ bụi gai, Chúa nói với ông
Môi-sen: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên
Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than và bọn cai hành hạ. Ta sẽ xuống giải
thoát chúng khỏi tay người Ai-cập và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt
tươi rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”. Cuộc gặp gỡ giữa
Thiên Chúa và ông Môi-sen qua bụi gai cháy bừng là một sự kiện quan trọng đánh
dấu bước tiến triển của mạc khải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa
tự giới thiệu danh của Ngài cho con người. Nếu ông Môi-sen chẳng hiểu gì khi
Thiên Chúa tự giới thiệu Ngài là “Đấng
Tự hữu”, thì ông lại dễ dàng nhận ra Thiên Chúa khi Ngài nhắc đến
các tổ phụ, tức là Áp-ra-ham, I-sa-ác, và Gia-cóp. Mối tương quan này cho thấy
Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành với lịch sử Do Thái, là dân riêng Ngài đã
chọn. Danh Thiên Chúa được kêu cầu cho các thế hệ tương lai, chính là danh xưng
gắn liền với các Tổ phụ của dân tộc thánh. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa
đã làm cho nhân loại qua các tổ phụ đã tạo nên danh xưng của Ngài.
Sau này, Chúa Giê-su cũng
không kết án bất kỳ ai. Trong trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội,
Chúa cũng nói với các kỳ lão: “Ai
trong các ông sạch tội, thì cứ việc mà ném đá chị này trước đi”.
Khi mọi người lần lượt bỏ đi hết, Chúa nói với người phụ nữ: “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về
đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (x. Ga 8,1-11). Chúa Giê-su
không kết án quá khứ của người phụ nữ, đồng thời mở ra cho chị một tương lai.
Hôm nay Người cũng vẫn đang làm với chúng ta như thế, và dạy chúng ta sống nhân
ái với nhau. Chúa không kết án chúng ta, chúng ta đừng kết án nhau.
Khi suy tư về những sự kiện
trong quá khứ, cũng như khi chứng kiến những sự việc xảy đến trong hiện tại,
thánh Phao-lô khuyên dạy chúng ta nhìn lại mình, đồng thời tìm ở đó những bài
học bổ ích cho bản thân. Nhờ chuyên tâm rèn luyện và giữ mình, chúng ta không
còn chiều theo những dụng vọng xấu xa, tránh những sai lầm của bản thân cũng
như của người khác (Bài đọc II).
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”. Lời Thánh vịnh 102 được hát lên
nhiều lần trong Mùa Chay, như một lời mời gọi chúng ta hãy nhận ra lòng từ bi
của Chúa để thành tâm mạnh dạn trở về. Ngài sẽ tha cho chúng ta muôn vàn tội
lỗi, và chữa lành những bệnh tật của chúng ta. Tác giả Thánh vịnh cũng mời gọi
chúng ta hãy có cái nhìn nhân ái và cảm thông đối với tha nhân, vì chúng ta hết
thảy đều là tội nhân trước mặt Chúa. Nguyện xin Chúa soi sáng, hướng dẫn và thêm
sức, để chúng ta can đảm trở về với Ngài.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn: TGP Hà Nội